Đang tải ...
  
Du lịch cuộc sống Điểm đến

Chủ nhật, 04/05/2025, 08:00

Trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản Thế giới

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa yêu cầu TP HCM khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản Thế giới.

Đây là bước đi quan trọng nhằm tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa và kỹ thuật quân sự độc đáo của công trình ngầm huyền thoại này.

Cách trung tâm TP HCM khoảng 70km về phía Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi là hệ thống hầm ngầm dài hơn 250km, được xây dựng hoàn toàn bằng sức người với những công cụ thô sơ. Công trình này phản ánh sự sáng tạo, tinh thần kiên cường và khả năng thích ứng phi thường của người dân Củ Chi trong điều kiện chiến tranh khốc liệt.

Hệ thống địa đạo không chỉ là nơi ẩn náu, sinh hoạt mà còn là trung tâm chỉ huy, bệnh viện, kho chứa và tuyến đường liên lạc hiệu quả trong kháng chiến. Cấu trúc phức tạp với nhiều tầng, lối đi, bẫy và hệ thống thông gió cho thấy trình độ kỹ thuật và tư duy chiến lược vượt trội của những người xây dựng.

Địa đạo Củ Chi.

Tháng 12/2015, Địa đạo Củ Chi được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đến năm 2020, UBND TP.HCM giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Theo Công văn số 1859/BVHTTDL-DSVH do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu TP HCM tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện Báo cáo tóm tắt Địa đạo Củ Chi theo góp ý của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia. Hội đồng đánh giá các nội dung tiếp thu, giải trình là hợp lý, phù hợp thực tiễn và thống nhất với các tiêu chí đề xuất, khai thác, phát huy được giá trị cốt lõi của di tích.

Hồ sơ đề cử Địa đạo Củ Chi tập trung vào hai tiêu chí nổi bật toàn cầu. Trong đó, tiêu chí (iv) là một ví dụ nổi bật về một loại công trình xây dựng minh họa một giai đoạn quan trọng trong lịch sử nhân loại. Tiêu chí (v) là một ví dụ nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường trong điều kiện sống khắc nghiệt.

Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đề nghị Báo cáo cần nhấn mạnh Địa đạo Củ Chi là công trình phòng thủ trong lòng đất mang tính hệ thống và có quy mô rộng lớn; được kiến tạo bằng sức người với những công cụ vốn có ở địa phương. Cần trình bày rõ hệ tri thức, sự hiểu biết về thế giới tự nhiên, vị trí địa lý, kết cấu địa chất, địa tầng của vùng Địa đạo; cách thức tạo lập công trình, tư duy về hệ thống phòng thủ và tính hiệu quả của công trình. Đặc biệt, phải mô tả chức năng của từng phân tầng và toàn bộ hệ thống, phương thức tồn tại lâu dài trong lòng đất, khả năng thích ứng với điều kiện sống khó khăn và tính chất khốc liệt của chiến tranh.

Việc hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO không chỉ nhằm công nhận giá trị lịch sử, văn hóa của Địa đạo Củ Chi mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy du lịch và bảo tồn di sản. TP HCM đang nỗ lực triển khai các biện pháp bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của di tích, đồng thời tiến hành nghiên cứu, thu thập thêm tư liệu, hiện vật phục vụ việc hoàn thiện hồ sơ đề cử và xây dựng Kế hoạch quản lý Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.

(Nguồn: petrotimes.vn).

Link gốc: https://petrotimes.vn/trinh-unesco-cong-nhan-dia-dao-cu-chi-la-di-san-the-gioi-727051.html

Chia sẻ

Xem nhiều

Đường dây nóng
0775476829

Quảng cáo

Đóng

Tất cả chuyên mục

 
Đường dây nóng
0775476829